Lập Dàn ý bài văn phân tích bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất
Dàn ý phân tích bài thơ Viếng lăng Bác
- Mở bài
- Giới thiệu tác giả Viễn Phương: là một trong những cây bút xuất sắc trong thời chiến.
- Giới thiệu về bài thơ Viếng lăng Bác
- Thân bài
- Khổ 1
- Giới thiệu việc nhà thơ từ Nam ra viếng lăng Bác, nó giản dị như một câu nói bình thường “ Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”.
- Xưng hô “ con” thể hiện sự thân mật, gần gũi… tự coi mình là đứa con xa lâu ngày mới có dịp được gặp lại người cha già của dân tộc.
- Hình ảnh “ hàng tre bát ngát” nó chính là biểu tượng cho làng quê Việt Nam, cho sức sống của dân tộc.
=> Thể hiện sự xúc động của nhà thơ khi được ra thăm lăng Bác.
- Khổ 2
- Hình ảnh mặt trời:
- Trong câu 1: là mặt trời thực, mặt trời của thế giới tự nhiên “ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng”
- Trong câu 2: là một hình ảnh ẩn dụ cho sự vĩ đại của Người và lòng yêu mến, tôn kính của dân tộc đối với Bác. Đó là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo “ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”.
- Hình ảnh “ kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” đã nói lên được tấm lòng chân thành, thành kính của nhân dân đối với Bác – một thứ tình cảm sâu sắc, kính yêu đối với Bác.
- Khổ 3:
- Hiện lên một không gian yên tĩnh, thiêng liêng, nâng niu chăm lo cho giấc ngủ của Bác.
- Nhà thơ đã liên tưởng đến vầng trăng cho thấy lòng kính yêu vô hạn của tác giả đối với Bác.
- Nhà thơ đã bày tỏ niềm xúc động thành kính, nỗi đau xót trước sự ra đi của Người “ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao đau nhói ở trong tim”.
=> Qua đó, thấy được cảm xúc chân thành của nhà thơ khi vào lăng thăm Bác.
- Khổ 4
- Nhà thơ buồn, bịn rịn khi nghĩ đến mai đã phải về miền Nam, nhà thơ lưu luyến, nhớ thương đến dâng trào nước mắt.
- Nhà thơ muốn hóa thân mình làm con chim, bông hoa, muốn làm cây tre… để mãi ở gần Bác.
=> Từ đó, cho thấy tâm trạng quyến luyến, nhớ mong và mong muốn được ở mãi bên Bác của nhà thơ.
- Kết bài
- Khái quát lại vấn đề: Bài thơ đã thể hiện tâm trạng xúc động, tấm lòng chân thành, lòng mến mộ, biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với vị cha già của dân tộc.
- Nghệ thuật: Nhà thơ đã sử dụng thể thơ tám chữ có biến thể, giọng điệu trang nghiêm, tha thiết, các hình ảnh và biện pháp tu từ đặc sắc… đã góp phần tạo nên nét đặc sắc của bài thơ.
- Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác
- Mở bài
Viễn Phương là cây bút xuất hiện sớm trong lực lượng giải phóng miền Nam. Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng và thống nhất, lăng Bác cũng vừa được khánh thành, Viễn Phương từ miền Nam ra thăm lăng Bác với một tình cảm yêu thương, chân thành, cảm xúc dạt dào, vì vậy nhà thơ đã viết nên bài Viếng lăng Bác để tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam đối với Bác nói chung.
- Thân bài
Bài thơ mở đầu với một cảm xúc dạt dào xúc động của nhà thơ nhìn thấy lăng Bác. Nhà thơ tự giới thiệu mình từ miền Nam ra thăm Bác “ Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” một cách nói rất giản dị và đời thường. Cách xưng hô của tác giả đối với Bác “ con” đã thể hiện sự thân mật, gần gũi, chân thành… nhà thơ tự coi mình như là một đứa con xa lâu ngày mới có dịp được gặp lại người cha già của dân tộc. Hình ảnh xuất hiện đầu tiên trong lăng Bác đó chính là hình ảnh “ hàng tre bát ngát”, tre chính là biểu tượng cho làng quê Việt Nam, cho sức sống của dân tộc.Từ đó, đã thể hiện sâu sắc sự xúc động của nhà thơ khi được ra thăm lăng Bác. Không chỉ bắt gặp hình ảnh hàng tre, nhà thơ còn bắt gặp hình ảnh mặt trời khi ở lăng Bác“ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Mặt trời trong câu thơ đầu tiên chúng ta hiểu đó là mặt trời thực, mặt trời của tự nhiên hằng ngày vẫn cứ mọc rồi lặn, còn mặt trời thứ hai đó chính là một ẩn dụ cho sự vĩ đại của Bác và thể hiện lòng yêu mến, kính trọng, chân thành của cả dân tộc đối với Người. Tất cả mọi người trên đất nước đều có một lòng yêu thương kính trọng, chân thành đối, nhà thơ cũng là một trong số đó “ kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” đã nói lên được tấm lòng chân thành, thành kính của nhân dân đối với Bác – một thứ tình cảm sâu sắc, kính yêu đối với Bác. Qua đó, cho thấy tình cảm chân thành, yêu thương của nhà thơ dành cho Bác khi đứng nhìn lăng Bác với một tấm lòng yêu thương tha thiết.
Khi đã đứng ngoài lăng Bác cảm nhận ngắm nhìn tha thiết, nhà thơ bước vào trong lăng cảm giác lúc này thật khó tả “ Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”. Nhà thơ đã cho ta thấy một không gian yên tĩnh, thiêng liêng, nâng niu chăm lo cho giấc ngủ của Bác. Giấc ngủ bình yên chính là giấc ngủ thanh bình và vĩnh hằng của bác khi đã dành trọn cả cuộc đời mình để dâng hiến cho đất nước. Nếu như hình ảnh mặt trời là tượng trưng cho sự vĩ đại, cống hiến hết mình cho dân tộc của Bác thì phong cách sống giản dị cùng với tâm hồn hiền hậu của Bác lại như ánh trăng, Bác là một con người gần gũi với thiên nhiên, trăng cũng chính là người bạn tri kỉ của Bác vì vậy ánh sáng trong lăng được nhà thơ liên tưởng đến ánh trăng dịu hiền. Hai câu thơ “ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao đau nhói ở trong tim”, hình ảnh ẩn dụ ‘ trời xanh là mãi mãi”, nhà thơ muốn nói lên tình cảm của người dân dành cho Bác, dù Bác đã đi xa nhưng Bác vẫn ở mãi trong tim người dân Việt Nam. Nhưng cũng không xoa dịu được nỗi đau mất Bác “Mà sao đau nhói ở trong tim”.
Nếu như khổ thơ trên nhà thơ đã được đến thăm lăng Bác, ngắm nhìn Bác với một cảm xúc dạt dào thì đến khổ thơ cuối đó là sự bịn rịn, lưu luyến khi nhà thơ nghĩ đến mai phải rời lăng Bác để trở về “ Mai về miền Nam dâng trào nước mắt”, từ “ thương” nó thể hiện tình cảm chân thành, quyến luyến khi sắp phải xa Người. Bởi vậy nhà thơ muốn hóa thân thành “ con chim hót”, “ đóa hoa tỏa hương”, “ cây tre trung hiếu”.. để được mãi ở bên người, không rời xa. Hình ảnh “ cây tre trung hiếu” thể hiện ước vọng trở thành một con người bình dị theo đúng như lời dạy của Bác “ trung với Đảng, hiếu với dân”, chính sự lặp lại của hình ảnh cây tre đã tạo nên bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng, làm sâu sắc hơn bài thơ. Qua đó, cho thấy tình cảm vô cùng chân thành của nhà thơ dành cho Người – vị cha già vĩ đại của dân tộc.
- Kết bài
Viếng lăng Bác là một bài thơ hay và sâu lắng đã thể hiện tình cảm dạt dào, lớn lao và chân thành của tác giả cũng như đồng bào miền Nam khi ra viếng lăng Bác. Đồng thời, bài thơ đã sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ kết hợp với giọng điệu trang nghiêm tha thiết…. đã làm bài thơ trở nên sâu sắc hơn.
Cám ơn các em đã tìm đọc bài viết “ Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác” do trung tâm mới hoàn thành. Hy vọng bài viết này của trung tâm sẽ giúp ích các em trong quá trình học tập, tìm hiểu cũng như phân tích bài thơ hay kiểm tra. Song các em không nên sao chép vào bài viết của mình. Nếu các em thấy bài viết hay hãy like và share nhé.