Lập Dàn Ý và Bài Văn Phân Tích Trao Duyên 2019 ( Truyện Kiều )
Phân Tích Bài Trao Duyên Của Học Sinh Giỏi Lớp 11 năm 2019. Bài viết hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích Trao Duyên và bài văn mẫu hay nhất năm 2019
I. Dàn Ý Phân Tích Trao Duyên
1, Mở bài phân tích Trao Duyên
– Giới thiệu tác giả Nguyễn du và “Truyện kiều”: là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học trung đại và tác phẩm “Truyện kiều” là một kiệt tác
– Giới thiệu bài thơ Trao duyên và vị trí đoạn trích: là đoạn thơ mở đầu cho chuỗi bi kịch của Kiều và là đoạn thơ Thúy – Kiều gửi gắm trao mối duyên tình của mình cho Thúy Vân.
2, Thân bài phân tích bài Trao Duyên
a, Thúy Kiều giãi bày, nói lí do để trao duyên cho Thúy Vân( 12 câu thơ đầu)
– Đoạn thơ mở ra với một hiện tượng khác thường: em ngồi lên cho chị lạy rồi mới nói chuyện: “Cậy em, em có chịu lời/Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Những từ ngữ cậy, chịu, thưa nó thể hiện sự gửi gắm trân trọng đối với Thúy Vân. Hành động Thúy Kiều lạy em : thể hiện ẩn sâu là sự biết ơn khắc cốt ghi tâm, không bao giờ quên.
– Thúy Kiều đã dùng những lí lẽ để trình bày với em – Thúy Vân:
+ Trình bày hoàn cảnh khó xử của mình: tình yêu với Kim Trọng dang dở vì chuyện gia đình gặp tai họa.
+ Nhờ Vân chấp mối duyên tình thay mình. Một bên tình một bên hiếu Kiều đành phải hy sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu.
+ Thúy Kiều vẫn tiếp tục dùng những lí lẽ để thuyết phục em: Thúy Vân còn trẻ, vẫn còn tương lai phía trước, Hai người còn là chị em máu mủ thân tình, Thúy Kiều cho dù chết cũng vui lòng..
b, Thúy Kiều trao kỉ vật cho Vân và dặn dò em( 14 câu thơ tiếp):
– Thúy Kiều nói với em: “Duyên này thì giữ, vật này của chung” Tình yêu trao cho Thúy Vân, nhưng những kỷ vật thì là của Thúy Kiều với Kim Trọng. Thúy Kiều trao duyên nhưng lại không trao tình.
– Những kỷ vật được nhắc đến: chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn… đó là những vật minh chứng cho tình yêu của Kim Trọng – Thúy Kiều.
– Các từ: “ của chung” là của chàng Kim, của chị , đến nay là của em, “ của tin” là niềm tin của chị để cả trong đó.
– Trong lời dặn dò em Thúy Kiều nhiều lần nói đến mình là người mệnh bạc, nhiều lần nhắc tới cái chết. Cho thấy tâm trạng buồn, bi kịch nỗi đau tột cùng của Kiều khi trao duyên cho em.
c, Thúy Kiều hướng về tình yêu và chàng Kim( 7 câu tiếp theo):
– Trở về với hiện tại Thúy Kiều bị giằng xé giữa một bên là sự mất mát không còn tình yêu vì đã trao cho em và một bên là tình yêu mãnh liệt với chàng Kim( Trâm gãy, gương tan <> muôn vàn ái ân).
– Thúy Kiều hướng về chàng Kim nói lời xin lỗi vợi sự day dứt giày vò, đau khổ và khẳng định rằng tình yêu đẹp chỉ còn trong quá khứ.
– Thúy Kiều đau khổ đến tận cùng khi phải làm như vậy, nàng oán trách số phận mình “Phận bạc như vôi?”
– Thúy Kiều gọi Kim Trọng hai lần: “Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!” đó là lời độc thoại. Thể hiện tình cảm mãnh liệt không thể kìm nén.
– Thúy Kiều từ biệt Kim Trọng: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” khẳng định mình đã phụ chàng Kim, Kiều là một người thân phận hẩm hiu nhưng nhân cách sáng ngời.
3, Kết bài phân tích bài thơ Trao Duyên
– Khái quát lại vấn đề: Bài thơ đã thể hiện rõ tâm trạng đau đớn xót xa của Thúy Kiều khi phải dứt mối duyên của mình trao cho em.
– Nghệ thuật: Miêu tả , phân tích tâm lí nhân vật: tinh tế, linh hoạt, chân thực….
II. Phân Tích Bài Trao Duyên
1, Mở bài
Nguyễn Du là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học trung đại và truyện kiều là một trong những kiệt tác của ông, tác phẩm đã để lại giá trị nhân đạo vô cùng lớn cho thế hệ sau. Toàn bộ truyện kiều là một chuỗi dài bi kịch, đau khổ của cuộc đời Thúy Kiều và đoạn trích “ Trao duyên” là một trong những bi kịch nhỏ của cuộc đời nàng Kiều, Thúy Kiều đã chọn bên hiếu và hy sinh tình cảm của bản thân để cứu gia đình khỏi cảnh tai biến. Đoạn thơ đã diễn tả một cách sâu sắc diễn biến tâm lí của Kiều khi buộc phải trao duyên cho Thúy Vân để vẹn tròn chữ hiếu.
2, Thân bài
Đoạn thơ là mở đầu cho cuộc đời lưu lạc đầy bi kịch của Kiều, đầu tiên là việc Kiều trao duyên cho Thúy Vân, để trao được duyên của mình với chàng Kim cho em Kiều cũng rất đau khổ và diễn giải lí do để thuyết phục Thúy Vân nhận duyên từ mình. Cảnh trao duyên diễn ra một cách lạ thường em ngồi lên cho chị lạy rồi mới nói chuyện: “Cậy em, em có chịu lời/Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Những từ ngữ như “cậy” là sự tin tưởng mà gửi gắm, “chịu” nghĩa là bắt buộc,thông cảm cho mình mà chịu chấp nhận, còn “thưa” là sự trang trọng, tất cả đã thể hiện sự tha thiết, khẩn khoản của Thúy Kiều với Thúy Vân. Hành động Thúy Kiều lạy em: thể hiện ẩn sâu là sự biết ơn khắc cốt ghi tâm, không bao giờ quên. Nàng đã đưa ra nhiều lí lẽ để trình bày với Thúy Vân và mong được sự chấp nhận của Thúy Vân vì Kiều đang ở trong hoàn cảnh khó xử gia đình gặp tai biến vì vậy nàng phải bán mình để cứu cha và em nhưng nàng còn đang mối tình dang dở với chàng Kim nên nhờ Vân chấp mối duyên tình thay mình. Một bên tình một bên hiếu Kiều đành phải hy sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu. Không chỉ vậy,Thúy Kiều vẫn tiếp tục dùng những lí lẽ để thuyết phục em: Thúy Vân còn trẻ, vẫn còn tương lai phía trước, Hai người còn là chị em máu mủ thân tình, Thúy Kiều cho dù chết cũng vui lòng.. Nhà thơ đã sử dụng cách nói dân gian để làm tăng sức thuyết phục cho lí lẽ của Kiều. Từ đó, cho thấy Thúy Kiều là một người con hiếu thảo đã hy sinh hạnh phúc của bản thân vì gia đình, mặc dù trong lòng nàng không dễ chịu gì khi phải hành động như vậy.
Nếu như 12 câu thơ trên là những lí do mà Thúy Kiều trình bày lí giải để Thúy Vân chấp nhận hành động trao duyên của mình thì đến đây Thúy Kiều trao lại những kỉ vật của mình và chàng Kim cho em và dặn dò Thúy Vân:“Duyên này thì giữ, vật này của chung” Tình yêu trao cho Thúy Vân, nhưng những kỷ vật thì là của Thúy Kiều với Kim Trọng. Câu thơ đọc theo nhịp 4/4 như một tiếng khóc nấc của Thúy Kiều, một thứ ngôn thứ tình cảm. Những kỷ vật được nhắc đến trong đoạn thơ: chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn… đó là những vật minh chứng cho tình yêu của Kim Trọng – Thúy Kiều, nó chứng tỏ hai người đã có rất nhiều lời hẹn ước, tình cảm sâu nặng mà không thể nào diễn tả được. Nhà thơ đã sử dụng các từ: “ của chung” là của chàng Kim, của chị , nay là của em, “ của tin” là niềm tin của chị để cả trong đó, nó thể hiện tâm trạng tiếc nuối, đau đớn vì phải chia ly mối tình đẹp đẽ, lãng mạn.Trong lời dặn dò em Thúy Kiều nhiều lần nói đến mình là người mệnh bạc, nhiều lần nhắc tới cái chết. Cho thấy tâm trạng buồn, bi kịch nỗi đau tột cùng của Kiều khi trao duyên cho em. Qua đó cho thấy, nỗi đau bi kịch của Thúy Kiều rất nhân bản, rất đời thường, nhà thơ đã hóa thân vào nhân vật để hiểu được nhân vật và khắc họa thành công nội tâm nhân vật.
Sau khi Thúy Kiều đã trao duyên cho em xong xuôi, nàng mới suy nghĩ đến hiện tại đến tình yêu của mình và chàng Kim. Thúy Kiều bị giằng xé giữa một bên là sự mất mát không còn tình yêu vì đã trao cho em và một bên là tình yêu mãnh liệt với chàng Kim( Trâm gãy, gương tan <> muôn vàn ái ân), nàng đau khổ vô cùng.Thúy Kiều hướng về chàng Kim nói lời xin lỗi vợi sự day dứt giày vò, đau khổ và khẳng định rằng tình yêu đẹp chỉ còn trong quá khứ: “Trăm nghìn gửi lạy tình quân/Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”.Thúy Kiều đau khổ đến tận cùng khi phải làm như vậy, nàng oán trách số phận mình “Phận bạc như vôi?”. Nàng đã gọi Kim Trọng hai lần: “Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!” đó là lời độc thoại, thể hiện tình cảm mãnh liệt không thể kìm nén. Trước đêm nàng từ biệt gia đình để theo Mã Giám Sinh, nàng đã nói hết những tâm tư tình cảm của mình với Thúy Vân, và trong thâm tâm đã từ biệt chàng Kim “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” khẳng định mình đã phụ chàng Kim, Kiều là một người thân phận hẩm hiu nhưng nhân cách sáng ngời.
3, Kết bài
Đoạn “ Trao duyên” được trích trong truyện kiều đã thể hiện nỗi đau bi kịch của Thúy Kiều lên đến tột độ khi phải dứt mối duyên tình trao em. Ở nàng chữ tình và chữ hiếu thống nhất với nhau. Đồng thời, nhà thơ đã sử dụng nhiều hình ảnh miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật, kết hợp giữa chất trữ tình và chất bi kịch…. đã khắc họa được sâu sắc tâm trạng đau buồn và bi kịch của Thúy Kiều.
Cảm ơn các em đã tìm đọc bài viết “Phân tích bài thơ Trao duyên” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các em trong quá trình kiểm tra và học tập, tìm hiểu bài thơ, nhưng các em không nên sao chép vào bài viết của mình. Nếu các em thấy bài viết hay, hãy like và share nhé.