Ý Nghĩa Và Lịch Sử Ngày Thành Lập Đoàn 26/3
Cứ hàng năm đến ngày 26/3 là ngày kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hãy cùng chúng tôi ôn lại ý nghĩa và lịch sử ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là một trong những tổ chức xã hội chính trị lớn nhất của thanh niên Việt Nam dưới Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổ chức này do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo, rèn luyện.
I. Ý Nghĩa Ngày Thành Lập Đoàn 26/3
Tại Sài Gòn vào tháng 3/1931, dưới sự chủ tọa của Tổng bí thư Trần Phú và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 2. Trong hội nghị đã đưa ra những nhiệm vụ rất cấp bách và cần tǎng cường thành phần dân công trong Đảng.
Cũng trong Hội nghị lần thứ 2 này, nhận thấy vai trò rất quan trọng của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc nên Đảng đã ra quyết định “Cần kíp tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn” và đưa ra chỉ thị đến các tổ chức của Đảng ở các địa phương đang quan tâm đến việc xây dựng các tổ chức Đoàn thanh niên.
Kể từ ngày đó Đoàn TNCS Đông Dương chính thức được ra đời. Trải qua các giai đoạn Cách mạng, tổ chức này có nhiều tên gọi khác nhau như: Đoàn thanh niên cứu quốc, Đoàn thanh niên lao động, Đoàn thanh niên dân chủ, Đoàn thanh niên phản đế và cho đến ngày nay chính thức là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tổ chức này đã cùng quốc gia và các thế hệ thanh niên Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Từ ngày 23/5/1961 đến ngày 25/5/1961, trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đoàn đã chọn ngày 26/3, một ngày trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương tháng 3/1931 chính thức làm ngày kỷ niệm Ngày thành lập đoàn.
II. Lịch Sử Ra Đời Của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh
Từ ngày 20/3/1931 – 26/3/1931, trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 đã giành một phần quan trọng trong hội nghị để bàn về các công tác thanh niên và đưa ra những quyết định mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng như các cấp ủy Đảng từ Trung ương cho đến địa phương phải cử ngay một số ủy viên của Đảng để phụ trách trong công tác Đoàn.
Trước sự phát triển cực kỳ lớn mạnh của Đoàn trên cả nước thì ở nước ta cũng xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và tại một số địa phương cũng đã hình thành nhiều tổ chức Đoàn từ xã, huyện, cơ sở.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp từ những năm 1946 – 1954, có biết bao đoàn viên Thanh niên vì cứu quốc mà đã hi sinh anh dũng như chị Võ Thị Sáu, anh Trần Văn Ơn, Cù Chính Lan… Đến khi hòa bình, trong lần họp tháng 9 năm 1955, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đưa ra quyết định đổi tên Đoàn TN Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Đây được coi là lực lượng mũi nhọn, xung kích trong các công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa với khẩu hiệu “Sống, chiến đấu theo gương những người cộng sản”.
Và rồi đến ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người lãnh tụ thiên tài – Vị cha già kính yêu của dân tộc – Người Bác của toàn thể dân tộc Việt Nam qua đời. Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức phiên họp bất thường và đưa ra quyết định từ nay: “Đoàn TNLĐ Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong, Đội Nhi đồng tháng 8 được mang tên Bác”. Từ đây Đoàn ta đã được mang tên là Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ xâm lược, nhiều thế thanh niên trên cả nước đã dành chọn cuộc đời mình cho công cuộc Cách mạng Việt Nam. Viết lên trang sử vàng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và cùng với các tổ chức toàn dân tộc khác đã làm nên thắng lợi vẻ vang năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến giữa tháng 12 năm 1976, trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 đã đưa ra những đường lối chung và đường lối xây dựng Xã hội Chủ nghĩa trong cả nước, bàn hành và sửa đổi điều lệ của Đảng và bầu ra Ban chấp hành Trung ương mới. Đảng đổi tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đoàn được đổi tên thanh Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.
Đã nhiều năm trôi qua, có biết bao thế hệ thanh niên đã dùng những đôi tay của mình và dưới sự lãnh đạo của Đảng đã xây dựng nên một truyền thống vẻ vang của Đoàn, tuyệt đối trung thành hết lòng phục vụ nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, luôn dũng cảm trong chiến đấu và học tập lao động hết sức mình để có thể xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đoàn ta đã được mang nhiều cái tên khác nhau tại những thời kì khác nhau, để mỗi thời kì đều phù hợp với mỗi nhiệm vụ mang tính chất lịch sử đặc biệt. Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh xứng đáng là là cánh tay đắc lực, là hậu bị của Đảng, là tổ chức tạo nên tên tuổi của những người Cộng sản trẻ tuổi, có được những lí tưởng, có nhiệt huyết và sức khỏe để cống hiến hết mình cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Theo sự phát triển lớn mạnh đó, tổ chức Đoàn đã đáp ứng đầy đủ những công việc cấp bách của các tổ chức phong trào thanh niên nước ta. Đó chính là sự vận động khách quan để phù hợp với công cuộc cách mạng nước ta. Đồng thời đánh giá cao công lao của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã chính tay sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn.
Từ ngày 26/3/1931 cho đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:
- Từ 1931 – 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương
- Từ 1937 – 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
- Từ 11/1939 – 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
- Từ 5/1941 – 1956:Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
- Từ 25/10/1956 – 1970:Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
- Từ 2/1970 – 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh
- Từ 12/1976 đến nay:Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Những thế hệ thanh niên lớp này qua lớp khác đã chiến đấu và hi sinh anh dũng vì sự độc lập tự do của Tổ Quốc Việt Nam, vì Chủ nghĩa Xã hội đã liên tiếp lập được nhiều chiến công xuất sắc và được vinh danh muôn đời.